CÁC GIAI ĐOẠN CỦA NGƯỜI DỰ TÒNG JRAI VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC TRỞ THÀNH KITÔ HỮU
Trước khi chia sẻ về những giai đoạn của thời gian Dự tòng, nhất là giai đoạn cao điểm của Mùa Chay, để người dự tòng Jrai được lãnh bí tích Thanh Tẩy, chúng ta cần hiểu sơ lược về bối cảnh của việc truyền giáo cho người Jrai thuộc giáo phận Kon Tum.
-
Mối tương quan giữa truyền giáo và hội nhập văn hóa
Trong mối tương quan chặt chẽ giữa truyền giáo và văn hóa tộc người, đặc biệt là tộc người Jrai, tầm nhìn của Đức Cha Paul Seitz (Kim), Giám mục Giáo Phận Kon Tum (1952-1975) được thể hiện rõ trong thư đề ngày 14/03/1953, mời Dòng Chúa Cứu Thế lên Tây Nguyên truyền giáo cho người Jrai:
“Cư dân miền Cao Nguyên hiện tiến đến một khúc “ngoặt” lịch sử, mà theo thiển ý, quyết định cho tương lai của họ: hoặc là chết, do bị dồn ép và tiêu vong, hoặc là được cứu thoát nhờ tự biến hóa và Kitô hóa. Những điều kiện đặc biệt, nhất là về mặt địa dư và lịch sử, đã cho phép các bộ tộc nguyên sơ, dừng lại ở thời kỳ đồ sắt, được bảo tồn và sống sót, cho đến giữa thế kỷ XX. Những hoàn cảnh đó, có thể qua hằng nhiều nghìn năm, là một “vạn lý trường thành” không gì thấm nhập nổi. Nhưng từ nửa thế kỷ qua, và nhất là trong những năm gần đây, bức tường thành đó đã sụp đổ… Việc di dân là con dao hai lưỡi. Nó thuộc loại hiện tượng tự nhiên và lịch sử: dân tộc năng động hơn, phong nhiêu hơn sẽ kéo theo cái chết của dân tộc yếu hơn. Đó là một sức mạnh mù quáng, mà chúng ta e ngại rằng mọi sự có thể xảy ra nếu chúng ta bỏ mặc nó hoành hành mà không lấy lý trí được đức tin soi dẫn và con tim mà can thiệp vào. Tôi nghĩ, và tất cả các thừa sai đều đồng ý với tôi, rằng người Thượng có quyền được sống; có đủ chỗ trên miền đất bao la này cho mọi người cùng cộng cư; hơn nữa, có thể và có lợi là người Thượng dần dần hội nhập được vào quốc gia Việt Nam.”[1]
Tinh thần trên của Đức Cha Paul Seitz được tiếp nối bởi những nhà truyền giáo cho các tộc người trên Tây Nguyên. Cụ thể, trong việc tái khởi động truyền giáo cho người Jrai ở Cheo Reo như linh mục Jacques Dournes (1955-1969), tiếp đến, là các nhà truyền giáo Dòng Chúa Cứu Thế tại Plei Kly và các vùng khác (từ năm 1969 – cho đến ngày nay). Những giá trị của Kitô giáo trong đời sống của các nhà truyền giáo, dần dần gây được cảm tình với người Jrai. Lịch sử việc truyền giáo cho người Jrai luôn gặp khó khăn, bởi vì người Jrai có tôn giáo tín ngưỡng riêng, có nền văn hóa và chính trị, xã hội vững chắc. Những lời chứng đầu tiên về bốn nhà truyền giáo Dòng Chúa Cứu Thế, trong giai đoạn đầu ở Plei Kly lại không liên quan gì đến việc truyền Đạo:
“Cứ thế, (chúng tôi) cùng ăn, cùng làm, cùng nói, dần dần chúng tôi thân với họ, biết họ hơn và họ cũng biết chúng tôi hơn. Họ biết chúng tôi không phải là nhân viên cán bộ của chính phủ, không phải là kẻ ăn lương của chính phủ. Họ giao con cái họ cho chúng tôi và nói: “Các anh hãy dạy cho chúng biết điều của các anh”. Một buổi tối bên đống lửa, một bô lão nói: “Chúng tôi đã lãnh đạo dân chúng tôi đến độ này rồi, các anh hãy tiếp nối dìu dắt dân của chúng tôi.” Một người khác, có học hơn nói: “Từ trước tới nay, người ta chỉ giúp chúng ta về mặt cơm ăn, áo mặc, nhà ở, trường học… chưa ai nói cho chúng ta về tinh thần, về tốt xấu, về hạnh phúc… những người này đến dạy cho chúng ta những điều ấy.”[2]
Một bên là những người Jrai trong giai đoạn lịch sử đầy biến động, bên kia là Giáo hội Công giáo mà đại diện là Đức Cha Paul Seitz (Kim) và các nhà truyền giáo, họ đã gặp gỡ nhau trong một cuộc “giao lưu” làm nên một phần lịch sử của việc truyền giáo trên Tây Nguyên, cũng như lịch sử của tộc người Jrai. Những người Jrai tiếp xúc với các nhà truyền giáo dần có cảm tình, muốn tìm hiểu Đạo, xin theo để được thờ phượng một Ơi Adei (Chúa) của muôn dân. Đây chỉ là vài dòng ngắn ngủi nói về hành trình theo Chúa và trở thành Kitô hữu, thực chất cả cuộc sống của người Jrai, từ cá nhân, gia đình đến buôn làng đều có sự thay đổi rõ rệt khi trở thành Kitô hữu. Cốt lõi bên trong của cuộc “giao lưu” chính là việc hội nhập văn hóa, sức mạnh của việc Tin Mừng hóa văn hóa được thể hiện cụ thể trong mọi mặt của đời sống người Jrai.
-
Các giai đoạn dự tòng của người Jrai
Giai đoạn chuẩn bị theo Đạo Công giáo của người Jrai khá dài, trong khoảng từ 2-3 năm. Những người Kinh muốn theo Đạo Công giáo, thời gian học giáo lý và chuẩn bị các nghi thức thường trong khoảng 6 tháng. Không phải vì người Kinh học nhanh hơn, người Jrai học chậm hơn; cũng không phải vì lý do khác biệt văn hóa, hay vấn đề chuyển đổi tôn giáo tín ngưỡng, nhưng vì lịch sử truyền cho giáo tộc người Jrai và tầm quan trọng khi theo “Đạo mới” đối với người Jrai. Việc gia nhập Đạo được chuẩn bị rất tốt và rất kỹ, kéo dài khoảng từ 2 đến 3 năm. Trong đó có các giai đoạn, khởi đầu là nghi thức gia nhập dự tòng, một năm học Cựu Ước, một năm học Tân Ước, sáu tháng để học về các vấn đề khác và chuẩn bị việc nhận bí tích Thanh Tẩy (Rửa tội). Đây là khoảng thời gian trung bình, vì các điểm truyền giáo của Dòng Chúa Cứu Thế với những hoàn cảnh khác nhau có thể áp dụng linh động. Ví dụ như sau Nghi thức bước vào giai đoạn dự tòng, mỗi Chúa nhật các dự tòng được mời gọi tham dự Thánh lễ, sau Thánh lễ có quý Cha, quý Thầy hoặc các Giáo lý viên, Trưởng làng, là những người đã được đào luyện giúp các dự tòng cầu nguyện, chia sẻ và học hỏi Lời Chúa. Giai đoạn tìm hiểu, học hỏi, tham dự các Thánh lễ của thời gian dự tòng dài nhất, khoảng 2 năm.
Sau thời gian học hỏi để bước vào giai đoạn mới có Nghi thức ghi dấu thánh giá; tiếp theo là Xức dầu dự tòng vào lễ Chúa Hiển Linh; vào Chúa nhật I Mùa Chay, sẽ có Nghi thức tuyển chọn; Chúa nhật III và IV Mùa Chay, cử hành Nghi thức thanh luyện và soi sáng, kèm theo việc trao Kinh Tin Kính và Kinh Lạy Cha; cuối cùng, Chúa nhật Phục Sinh (hoặc Đêm vọng lễ Phục Sinh) sẽ cử hành bí tích Thanh Tẩy và khi đó họ mới là người Công giáo thực thụ. Thời gian sau này, việc cử hành bí tích Thanh Tẩy được thực hiện trong nhà thờ, nhưng trước đây được thực hiện tại một con suối gần làng. Các Nghi thức trên nằm trong giai đoạn “chuẩn bị gần”, nhưng tùy mỗi giáo xứ, giáo họ sẽ thực hiện vào các Chúa nhật khác nhau trong Mùa Chay. Ngoài ra còn có việc khảo hạch, cử hành nghi thức trừ tà, nhất là cộng đoàn luôn cầu nguyện và đồng hành với anh chị em dự tòng. Ở gian đoạn “chuẩn bị gần”, tất cả các Chúa nhật trong Mùa Chay, các giáo xứ, giáo họ mà quý Cha Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách đều có thời gian riêng để dành cho các anh chị em dự tòng, bầu khí thật rộn ràng nhưng không thiếu phần trang nghiêm.
Các giai đoạn dự tòng dành cho người Jrai mà các nhà truyền giáo thiết lập như nói trên đây không phải là những điều mới lạ, nhưng là “hành trình” trở về nguồn. “Thật vậy, trong những thế kỷ đầu, hành trình trở thành Kitô hữu phát triển trong hầu hết các Giáo Hội, gồm bốn giai đoạn: (1) “truyền giáo” hoặc loan báo Tin Mừng, giai đoạn này nhằm khơi dậy đức tin và hoán cải nơi dân ngoại nhờ việc rao giảng Tin Mừng; đỉnh cao của thời kỳ này là việc gia nhập dự tòng sau cuộc khảo nghiệm về những động lực và tâm tính của thỉnh nhân; (2) “dự tòng”: thông thường kéo dài trong 3 năm, là thời gian huấn luyện và thử thách, dưới sự hướng dẫn và đồng hành của một số Kitô hữu trưởng thành trong đức tin; cuối chặng này, thường là một cuộc khảo nghiệm về sự hoán cải đích thực của người dự tòng và về kiến thức đức tin đã được học hỏi; (3) “mùa Chay” là thời gian chuẩn bị cuối cùng về giáo lý, việc hãm mình-thống hối và phụng vụ; thời gian này nhấn mạnh đến những nghi thức mà đỉnh cao là việc cử hành bí tích Thánh Tẩy, Thêm sức và Thánh Thể trong đêm Vọng Phục Sinh; (4) “mùa Phục Sinh”: kéo dài trong tuần Bát nhật Phục Sinh, khai triển giáo lý nhiệm huấn, gồm việc giải thích các dấu chỉ phụng vụ và ý nghĩa các dấu chỉ trong đời sống Kitô hữu; hoàn tất việc tháp nhập hoàn toàn vào đời sống cộng đoàn.”[3]
Vì tầm mức quan trọng của một người Jrai gia nhập Công Giáo, mà các nhà truyền giáo đã “trở về nguồn” để áp dụng những thực hành của Giáo Hội sơ khai cho họ. Bản thân họ, với vốn tín ngưỡng, văn hóa truyền thống, xã hội, chính trị vững chắc và phong phú; việc chấp nhận tìm hiểu, đón nhận đức tin Công Giáo không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng trong lòng tin và xác tín của Hội Thánh, hạt giống Kitô đã được gieo từ rất lâu trong lòng tộc người này và chờ các thừa sai đến để khơi lên một mùa lúa bội thu. Như lời Đức Gioan Phaolô II xác quyết: “Qua hội nhập văn hóa, Giáo Hội nhập thể Tin Mừng vào các nền văn hóa khác nhau và đồng thời dẫn đưa các dân tộc cùng với các nền văn hóa của họ vào cộng đoàn Kitô hữu. Giáo hội truyền thông cho các dân tộc những giá trị của mình, đồng thời đón nhận những gì tốt đẹp trong các nền văn hóa đó và đổi mới chúng từ bên trong.”[4] Con đường nhập thể của Chúa Giêsu, được nhà thừa sai trên vùng đất truyền giáo Tây Nguyên họa lại trong chính sứ vụ của mình. Cách riêng, các thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế đã “thừa kế” gương sáng, kinh nghiệm truyền giáo và mục vụ của các thế hệ đi trước để đến với anh chị em Jrai. Quả thật, chẳng gì ngoài ơn của Chúa Thánh Thánh đã thúc đẩy các thừa sai và anh chị em Jrai gặp gỡ nhau trong Chúa, và thế là có một cuộc Tin Mừng hóa văn hóa đơm bông kết trái dồi dào.
Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT
(Phú Túc, 06/04/2025)
—
[1] Trần Sĩ Tín, Hạt giống Kitô trong đất Jrai, Nxb Tôn Giáo, 2009, tr.307-309
[2] Báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Nhóm sứ đồ Plei-kly, Nxb 1972, số 41, tr.5
[3] Md. Phạm Thúy, Tiến trình dự tòng, www.tonggiaophanhanoi.org (06/04/2025)
[4] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, số 52.
Sau đây là một số hình ảnh của anh chị em Dự tòng trong vùng truyền giáo thuộc Cộng đoàn DCCT Cheoreo:
1/ Anh chị em Dự tòng đang đọc và học Kinh Thánh tại Giáo xứ Plơi Rngôl Ama Drung
2/ Anh chị em Dự tòng đang học hỏi giáo lý, tham dự nghi thức tại Giáo xứ (và trong làng) Chrôh Ale
3/ Khảo hạch, Nghi thức trừ tà và trao Kinh Thánh cho anh chị em Dự tòng tại Giáo họ Bôn H’muk