ĐẶT CHÚA GIÊSU Ở TRUNG TÂM

Bước vào Tuần Thánh, Lời Chúa mời gọi chúng ta đặt Chúa Giêsu làm trung tâm, để cùng đi sâu vào mầu nhiệm cuộc khổ nạn mà Ngài sắp trải qua. Ở Bêtania, Chúa Giêsu là trung tâm, là nhân vật chính, chung quanh Ngài là những người gần gũi nhất, mỗi người có phản ứng khác nhau trước sự hiện diện của Ngài.
Ladarô ngồi lặng lẽ, như một bằng chứng sống động về quyền năng của Chúa Giêsu trên sự chết. Chứng tá thầm lặng của ông công bố mạnh hơn cả lời nói rằng: Đức Kitô thực sự là sự sống lại và là sự sống. Ladarô trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta rằng, niềm hy vọng đích thực phát xuất từ việc trực tiếp cảm nghiệm quyền năng cứu độ của Chúa Giêsu.
Maria, chị của Ladarô, tràn đầy lòng biết ơn và yêu mến, đổ dầu thơm quý giá xức chân Chúa, rồi lấy tóc mình mà lau. Hành động quảng đại của cô diễn tả một điều sâu sắc vượt xa lời nói: chỉ mình Chúa Giêsu mới xứng đáng nhận trọn vẹn lòng yêu mến và tận hiến của chúng ta. Maria dạy chúng ta rằng, người môn đệ chân chính không chỉ đơn thuần “làm công việc của Chúa”, mà trước hết là yêu mến chính Đức Kitô trên tất cả mọi sự.
Nhưng ở giữa họ lại có Giuđa, phản ứng hoàn toàn trái ngược với Maria và Ladarô. Bên ngoài, ông tỏ ra quan tâm đến người nghèo, nhưng trong lòng lại đầy tham lam, chỉ trích hành động tôn kính Chúa của Maria như một sự lãng phí. Trái tim Giuđa đã xa rời Đấng đáng lẽ phải là trung tâm. Giuđa cho chúng ta thấy bi kịch khi rời xa mục đích của đời mình, khi đặt những ưu tiên trần thế—ngay cả những lý tưởng nghe có vẻ cao quý—lên trên chính Chúa Kitô.
Đức Giêsu đáp lại rất rõ ràng trước sự giằng co này: “Người nghèo thì anh em luôn có bên mình, còn Thầy, anh em không luôn luôn có đâu.” Những lời này không phải là sự xem nhẹ người nghèo, nhưng là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng tình yêu đích thực và lòng bác ái chân thành chỉ có thể tuôn chảy từ mối tương quan sâu sắc với chính Chúa. Người nghèo luôn cần lòng thương cảm và sự chăm sóc của chúng ta, nhưng chỉ khi đặt Chúa Giêsu vào trung tâm, yêu mến Ngài trước hết và trên hết, thì lòng bác ái của chúng ta mới trở nên đích thực và biến đổi sâu sắc.
Lời ngôn sứ Isaia cho thấy Đức Giêsu là Người Tôi Trung được tuyển chọn, hiền lành nhưng mạnh mẽ, đem lại hy vọng và công lý cách âm thầm, không bẻ gãy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn cháy leo lét. Người Tôi Trung ấy chính là Đức Giêsu, sắp sửa đón nhận Thập Giá, để ban tự do cho những ai bị giam cầm, ánh sáng cho người mù lòa, và niềm hy vọng cho toàn thể nhân loại.
Trong Năm Thánh của Hy Vọng này, chúng ta hãy tự xét mình xem: Đức Kitô là ai đối với chúng ta? Chúng ta đáp lại như Ladarô, âm thầm nhưng mạnh mẽ làm chứng cho quyền năng ban sự sống của Chúa Kitô? Hoặc chúng ta theo bước Maria, hiến dâng những gì quý giá nhất cho Ngài, nhận ra Ngài là kho báu lớn nhất của đời ta? Hay chúng ta lại đang cư xử như Giuđa, không còn quy hướng về Chúa Giêsu nữa, dù vẫn nhân danh những mục tiêu cao cả?
Hôm nay, hãy canh tân quyết tâm đặt Chúa Giêsu ở trung tâm đời sống mình. Từ tâm điểm này, mọi điều thiện hảo, mọi hành động bác ái chân thật, mọi biểu lộ hy vọng đích thực sẽ tuôn trào. Khi yêu mến Chúa Giêsu trước và trên tất cả, chúng ta tìm thấy nguồn hy vọng chân thực—niềm hy vọng không bao giờ làm thất vọng, vì được bén rễ sâu xa nơi Đấng đã yêu thương chúng ta trước.
* Lm. GB. Lê Đình Phương, DCCT

Bài viết mới nhất

spot_img

Bài viết liên quan