CÁC DỊP TỘI

Trong một dịp trừ quỷ, ma quỷ bảo rằng bài giảng làm nó khó chịu nhất là giảng về việc khuyên tránh xa các dịp tội. Điều này hoàn toàn hợp lý, bởi vì ma quỷ không hề bận tâm đến các quyết tâm hay lời hứa mà một tội nhân ăn năn đưa ra, nếu như người đó không rời bỏ các dịp tội. Đặc biệt đối với những khoái cảm xác thịt, dịp tội giống như một tấm màn che mắt: người ta không còn nhìn thấy những quyết tâm của mình, cũng không còn thấy ánh sáng Chúa ban cho, hay các chân lý vĩnh cửu nữa. Tóm lại, các dịp tội làm con người quên đi tất cả và khiến họ nên mù lòa.
Nguyên nhân dẫn đến sự sa ngã của nguyên tổ chúng ta chính là vì không tránh xa dịp tội. Thiên Chúa đã cấm họ thậm chí không được chạm vào trái cấm, như bà Evà đã nói với con rắn: “Thiên Chúa đã truyền rằng: ‘Các ngươi không được ăn, không được động tới nó’” (St 3,3). Nhưng vì thiếu thận trọng, bà đã “thấy trái cây, hái lấy và ăn”: trước tiên bà ngắm nhìn nó, sau đó cầm lấy, và cuối cùng ăn. Ai tự đặt mình vào nguy hiểm thì sẽ bị hủy diệt trong đó. “Kẻ yêu thích hiểm nguy sẽ ngã quỵ trong đó” (Hc 3,25).
Thánh Phêrô nói rằng “kẻ thù của anh em là ma quỷ, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm kiếm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8). Vì vậy, như thánh Cyprianô nói, để quay trở lại một linh hồn mà từ đó nó đã bị đuổi ra, ma quỷ “tìm kiếm một điểm yếu để có thể tái xâm nhập”. Nếu linh hồn tự ý đặt mình vào dịp tội, kẻ thù sẽ bắt ngay lấy cơ hội đó và sẽ quật ngã nó. Viện phụ Guerrico lưu ý rằng Ladarô đã ra khỏi mồ với tay chân bị quấn vải liệm. Ngài giải thích rằng: người nào hồi sinh khỏi tội lỗi nhưng vẫn bị ràng buộc bởi các dịp tội thì rồi sẽ chết một lần nữa. Vì vậy, ai muốn được cứu rỗi không chỉ phải từ bỏ tội lỗi mà còn phải tránh xa mọi dịp tội, dù đó là một người bạn, một ngôi nhà, một mối quan hệ…
Bạn có thể nói: “Bây giờ tôi đã thay đổi cuộc sống rồi, tôi không còn ý định xấu xa đó nữa, tôi không còn cảm thấy bị cám dỗ nữa”. Tôi sẽ trả lời bạn bằng một ví dụ. Người ta kể rằng ở Mauritania có những con gấu chuyên săn khỉ. Khi nhìn thấy gấu, khỉ liền trèo lên cây để tránh nguy hiểm. Lúc đó, con gấu sẽ nằm dưới gốc cây, giả vờ chết, và khi bầy khỉ tưởng rằng nó đã chết nên tuột xuống, nó liền chồm lên, tóm lấy chúng và xé xác. Ma quỷ cũng hành động như vậy: nó khiến người ta tin rằng cám dỗ đã chết, không còn nguy hiểm nữa, nhưng rồi khi họ đến gần dịp tội, nó lại vùng dậy và vồ lấy linh hồn họ. Biết bao linh hồn, vốn thường xuyên cầu nguyện và rước lễ, đến mức tưởng chừng như đã nên thánh, nhưng chỉ vì không rời xa dịp tội nên lại sa ngã!
“Con hãy tránh tội như tránh rắn, vì nếu con tới gần, nó sẽ cắn con” (Hc 21,2). Nếu chúng ta muốn tránh bị rắn cắn, thì không những không được chạm vào nó mà còn chớ đến gần. Bạn có thể nói rằng ngôi nhà hay mối quan hệ nào đó là cần thiết. Nhưng nếu bạn nhận ra rằng nó là dịp tội cho mình (x. Cn 7,27), thì không có lựa chọn nào khác: bạn phải từ bỏ nó nếu muốn được cứu rỗi.
“Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc và ném đi” (Mt 5,29). Chúa Giêsu nói “ném đi”, để chỉ ra rằng chúng ta phải loại bỏ mọi dịp dẫn đến tội lỗi. Thánh Phanxicô Assisi nói rằng ma quỷ cám dỗ những người sống đạo đức theo cách khác với những kẻ gian ác. Ban đầu, nó trói họ bằng một sợi chỉ mỏng manh, sau đó là sợi dây, rồi đến một sợi thừng, và cuối cùng kéo họ vào tội lỗi. Vì vậy, ai muốn được tự do khỏi nguy hiểm này phải cắt đứt ngay từ đầu tất cả các dịp tội, ngay cả những ràng buộc nhỏ nhất, như một lời chào hỏi, một cái nhìn, một mẩu giấy hay những điều tương tự. Đặc biệt đối với tội lỗi chống lại đức trong sạch, không chỉ tránh những dịp tội gần mà cả những dịp tội xa cũng phải tránh, vì nếu không, chắc chắn người ta sẽ lại sa ngã. (AM, XXXI, III)
(Suy niệm của Thánh Alfonso trong Mùa Thường Niên)
* Bản dịch: Lm. GB. Lê Đình Phương, DCCT

Bài viết mới nhất

spot_img

Bài viết liên quan