CẦU NGUYỆN VỚI LÒNG KHIÊM NHƯỜNG

(Suy niệm của Thánh Alfonso trong Mùa Thường Niên)
Ai nhận thấy mình đã làm được điều gì tốt lành, hay chưa sa ngã vào những tội lỗi lớn hơn, hãy nói như thánh Phaolô: “Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1 Cr 15,10). Đồng thời, người ấy phải biết run sợ, vì mình có thể sa ngã bất cứ lúc nào. Thánh Phaolô cảnh báo: “Ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã” (1 Cr 10,12). Lời này nhắc nhở rằng, những ai tự phụ cho mình an toàn, không thể sa ngã, chính là những người đang ở trong nguy cơ sa ngã. Thánh Phaolô còn giải thích: “Ai tự cho mình là gì, mà thực ra chẳng là gì, thì tự lừa dối mình” (Gl 6,3).
Thánh Augustinô viết cách khôn ngoan: “Tự phụ rằng mình mạnh mẽ khiến nhiều người không thể đứng vững; chỉ những ai nhận ra sự yếu đuối của mình mới thực sự mạnh mẽ.” Nếu ai đó nói rằng mình không sợ hãi, thì điều đó cho thấy họ đang đặt niềm tin vào bản thân và những ý định của mình. Nhưng chính sự tự tin tai hại này sẽ khiến họ bị đánh lừa. Khi cậy vào sức riêng, họ không biết run sợ và không còn chạy đến với Thiên Chúa; khi đó, họ chắc chắn sẽ sa ngã. Tương tự, chúng ta không nên ngạc nhiên hoặc tự cao trước tội lỗi của người khác, nhưng phải tự nhận mình tồi tệ hơn và thưa: “Lạy Chúa, nếu Chúa không giúp con, con có thể còn tệ hơn.” Nếu không, Thiên Chúa, để sửa trị sự kiêu ngạo ấy, có thể cho phép họ sa ngã vào những tội nặng nề hơn.
Thánh Phaolô cảnh báo: “Anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ” (Pl 2,12). Ai sợ sa ngã sẽ không cậy vào sức riêng, nhưng đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa và kêu cầu Người khi gặp nguy hiểm. Khi ấy, Thiên Chúa sẽ trợ giúp, và họ sẽ chiến thắng các cơn cám dỗ, đạt được ơn cứu độ.
Thánh Philipphê Nêri một lần đi qua Rôma đã nói: “Tôi tuyệt vọng rồi!” Một tu sĩ sửa lời ngài, và thánh nhân đáp: “Thưa cha, con tuyệt vọng về chính bản thân mình, nhưng con tin tưởng vào Thiên Chúa.” Chúng ta cũng phải làm như vậy nếu muốn được cứu độ: đừng bao giờ đặt hy vọng vào sức mình. Thánh Philipphê là gương mẫu, vì mỗi sáng vừa thức dậy, ngài thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin giữ con trong tay Ngài hôm nay, nếu không, Philipphê này sẽ phản bội Ngài.”
Cuối cùng, như thánh Augustinô nói, tất cả sự khôn ngoan của người Kitô hữu nằm ở việc nhận ra rằng mình chẳng là gì và chẳng làm được gì. Chính sự nhận biết này sẽ thôi thúc họ cầu nguyện không ngừng để xin Thiên Chúa ban sức mạnh mà họ không có nhưng rất cần, hầu chống lại các cơn cám dỗ và làm điều thiện. Khi cầu xin với lòng khiêm nhường, họ sẽ làm được mọi sự nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ từ chối những ai kêu cầu Người cách khiêm nhường.
“Lời cầu nguyện của người khiêm nhường xuyên thấu các tầng trời; khi đến trước ngai Đấng Tối Cao, nó không dừng lại cho đến khi được Thiên Chúa nghe và nhận lời” (x. Hc 35,17-18). Dù một người có phạm bao nhiêu tội lỗi, Thiên Chúa cũng không khinh chê một trái tim khiêm nhường và sám hối: “Lạy Chúa, một tấm lòng tan nát, khiêm cung, Người sẽ chẳng khinh chê” (Tv 51,19). “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường” (Gc 4,6). Chúa nghiêm khắc với kẻ kiêu ngạo và khước từ lời cầu nguyện của họ bao nhiêu, thì Người lại nhân hậu và rộng lượng với những ai khiêm nhường bấy nhiêu. Chúa Giêsu từng nói với chị thánh Catarina thành Siena: “Hỡi con, hãy biết rằng ai khiêm nhường bền đỗ cầu xin Ta ơn lành, người ấy sẽ đạt được mọi nhân đức.” (GMP, Parte I, III, 1)
Bản dịch: Lm. GB. Lê Đình Phương, DCCT

Bài viết mới nhất

spot_img

Bài viết liên quan