Điều răn trọng nhất

ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT
(Chúa nhật XXX Thường niên A – Mt 22,34-40)
Để đáp lại tin tức về sự thất bại của phái Xađốc, người Pharisêu đã họp nhau lại. Một người thông luật trong nhóm đã hỏi để thử Người, như họ đã từng làm, người đó hỏi: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất ?” (c.35) Tại sao họ lại hỏi Đức Giêsu câu hỏi này, đâu là lý do?
Cha Vũ Phan Long OFM* chú giải như sau: “Các trường phái và các vị thầy Israel vẫn đang cống hiến những lối phân phối và giải thích Lề Luật khác nhau. Họ đã phân tích Luật ra thành 613 điều khoản khác nhau. Các kinh sư đã chọn chủ trương giữ luật thật chi li (“vị luật”). Xu hướng vị luật tỉ mỉ này làm phát sinh khi thì niềm vui do tuân giữ được trọn vẹn các điều khoản, khi thì sự tự mãn kiểu Pharisêu (x. Lc 15,29), khi thì sự lo lắng vì không tuân giữ được tất cả (x. Mt 19,18). Dù sao, cần phải tìm ra một nguyên tắc thống nhất giúp người ta biết định hướng trong cuộc đời và nhất là biết cách quyết định trong các chọn lựa thực tiễn. Vì thế, câu hỏi của vị thông luật để “thử” Đức Giêsu có lý do: không chỉ là một tranh luận lý thuyết nhà trường, nhưng cũng có một nhu cầu thực tế. Bởi vì có khi họ đã phải chỉ cho biết những điều răn nào không được vi phạm, cho dù người ta có bị giết, hoặc phải dạy điều gì là quan trọng nhất đối với Lề Luật và các điều răn này dẫn xuất từ các điều răn khác thế nào.”
SUY NIỆM
Câu trả lời của Chúa Giêsu xem ra thật đơn giản bởi vì Người chỉ trích dẫn sách Đệ nhị luật (6,4-5) và Lêvi (19,18): “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.” (c.37) và “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (c.39). Điểm khác biệt lớn nhất phải kể đến là Đức Giêsu coi hai giới luật này ngang nhau. “Cũng giống” nghĩa là điều răn thứ hai cũng đáng được quan tâm giữ như điều răn thứ nhất. Người nối kết hai điều răn thành một và để chúng ở vị trí cao nhất. Hơn nữa, Đức Giêsu còn tuyên bố rằng “tất cả Luật (Môsê) và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”, có nghĩa là hai điều răn này diễn tả trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa trong Kinh Thánh, do đó hàm chứa tất cả mọi điều răn khác, hay là tất cả các điều răn khác quy về hai điều răn này.
“Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”, là trọn vẹn xác hồn. Yêu người thân cận như chính mình và ngang với điều răn thứ nhất. Điều đó có nghĩa là phải dành cho người thân cận một tình yêu như dành cho Thiên Chúa. Hay nói cách khác, phải yêu người thân cận “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”. “Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân không phải chỉ là những thái độ con người bị buộc phải có; hai tình yêu này nhập thể nơi bản thân Đức Giêsu. Chính vì Người đã đến dùng cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Người mà hoàn tất “Luật và các Ngôn sứ”, mà Người có thể công bố với giọng uy quyền rằng toàn thể Giao ước cũ đều “tùy thuộc” vào việc yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Chính nơi Người mà không những Lề Luật, dưới dạng điều răn, mà cả lời hứa ân phúc, được các Ngôn sứ loan báo, đã được thực hiện trọn vẹn.” *
Có lẽ câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra cho chính mình là: vậy người thân cận của tôi là ai? Người thân cận không phải chỉ là người cùng một quốc gia, chủng tộc, ngôn ngữ nhưng là bất cứ ai mà chúng ta gặp gỡ. Nhưng thực tế đời sống Kitô hữu cho chúng ta một kinh nghiệm rằng, đôi khi chúng ta nại đến lý do “người thân cận” ở xa đâu đó, mà quên đi những người đang sống xung quanh mình, cần được mình quan tâm, chăm sóc. “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” là lời nhắc nhở của người xưa trong bầu khí văn hóa nặng tính cộng đồng của người Việt, tối lửa tắt đèn có nhau. Sự khôn ngoan ấy xuất phát từ thực tế cuộc sống, của tình làng nghĩa xóm cần dựa vào nhau để tồn tại và phát triển. Ngày nay, khi truyền thông liên lạc đa phương tiện rất hiện đại, người thân cận, người gần gũi chúng ta nhất có thể lại trở thành người bị lãng quên nhất hay không? Chúng ta có thường xuyên xem xét bản thân mình đã “bỏ quên – bỏ lơ” người mà Chúa muốn chúng ta giúp đỡ, phục vụ, thương yêu họ không?
Cuối cùng, mệnh lệnh yêu thương anh em không phải chỉ vì Thiên Chúa yêu cầu và chúng ta áp dụng như một khoản luật theo nghĩa thưởng – phạt. Nhưng lý do nằm trong nội tại của các điều răn, chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu thương anh em. Trong khi yêu thương người khác vì chính họ, ta yêu mến Thiên Chúa vì chính Người. Chúng ta cùng đọc lại thư của thánh Gioan: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa.” (1 Ga 4,7) và “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1 Ga 4,20)
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu, ngay từ khi còn nhỏ, chúng con đã được học 10 điều răn. Câu kết chúng con nằm lòng: “Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà chớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy.” Chúng con rất thuộc khi phải trả bài để được xưng tội rước lễ lần đầu, nhưng bao năm qua, thực thi điều răn ấy thì có mấy khi!?
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức rằng, chúng con đã được sinh ra bởi Tình Yêu thì cũng vì Tình Yêu mà sống, vì Tình Yêu mà hiến dâng bản thân mình cho anh chị em! Có như thế, chúng con mới làm sáng lên hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và cứu độ chúng con trong Tình Yêu của Ngài. Amen.
 Lm. Anphpongsô Trần Ngọc Hướng, C.Ss.R
(Cheoreo 28/10/2023)
* Lm. Vũ Phan Long, OFM, – Mt 22,34-40: Điều Răn Trọng Nhất (www.catechesis.net)

Bài viết mới nhất

Ánh sáng soi chiếu

Thiên Đàng (3)

spot_img

Bài viết liên quan