ĐỨNG LÊN EM, CHÚNG TA HÃY CẦU NGUYỆN!
(Phụng vụ Lời Chúa – Bài đọc 1: Tb 8,4b-8; Bài đọc 2: Cl 3,12-17; Tin Mừng: Mt 7,21.24-29)
I. TÔBIA VÀ SARA, MỘT GIA ĐÌNH CẦU NGUYỆN
Sách Tôbia mà chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất có 14 chương [khá ngắn], kể về câu chuyện gia đình của một tác giả vô danh, nhằm chuyển tải một đạo lý và một giáo lý về đời sống gia đình. Cốt truyện kể về đời sống tôn giáo của hai gia đình Dothái lưu vong luôn trung thành gắn bó với Luật Môsê: Ở Ninivê [I-rắc hiện nay], có một người tên là Tôbít, một nguời bị phát lưu, thuộc chi tộc Neptali, có lòng đạo, và bác ái, nhưng bị mù. Tại Écbatan [I-ran hiện nay], một người bà con của ông là Raguên có một người con gái Sara, người đã phải chứng kiến cái chết liên tiếp của bảy người chồng của cô, bị quỷ Átmôđaiô giết vào đêm tân hôn. Tôbít (cha của Tôbia) và Sara (con gái của Raguên) đều cầu xin Thiên Chúa cho mình được chết khi phải đối diện với quá nhiều đau khổ. Từ hai số phận hẩm hiu và từ hai lời cầu nguyện này, Thiên Chúa đã cho phát sinh ra một nỗi vui mừng; Người sai thiên thần Raphaen dẫn Tôbia, con của Tôbít tới nhà Raguên, cưới Sara và cho ông thuốc chữa cho Tôbít khỏi mù.[1]
Câu chuyện gia đình trong sách Tôbia thật cảm động! Cả hai gia đình Tôbít và Raguên đều ở trong thân phận của những kẻ lưu đầy, như thế còn chưa đủ, nỗi khốn khổ ấy còn không nguôi vì Tôbít bị mù, bản thân ông Raguên có con gái cưới bảy đời chồng thì đều bị quỷ Átmôđaiô đem đi vào đúng đêm tân hôn. Điều đáng nói ở đây là cả hai gia đình đều rất mực trung thành với luật Môsê ở nơi đất khách quê người, có lòng thương người qua việc bố thí không so đo tính toán, họ dạy các con tất cả những điều hay lẽ phải. Thế mà, tại sao những người công chính này lại phải chịu cảnh đau khổ nhục nhã đến vậy!? Chúng ta nghe lời nhục mạ của đày tớ gái của cô Sara: “Chính cô là kẻ sát phu! Coi đó, cô đã có bảy đời chồng mà chẳng được mang tên ông nào! Tại sao chỉ vì mấy người chồng của cô đã chết mà cô lại đánh đập chúng tôi? Thôi, đi với mấy ông ấy cho rồi, và đừng bao giờ chúng tôi thấy cô có con cái gì hết!” Vậy ngày hôm ấy, lòng cô Xa-ra ưu phiền và cô kêu khóc. Rồi lên lầu trên ở nhà cha cô, cô định thắt cổ tự tử.” (Tb 3,8-10)
Tuy nhiên, Thiên Chúa không quên lắng nghe tiếng kêu cứu của dân người, của hai gia đình Tôbít và Raguên. Thiên Chúa đảo ngược hoàn cảnh bi thương của cả hai gia đình và cho Tôbia con của Tôbít, cưới Sara con của Raguên làm vợ! Mọi sự đau khổ đã đến đỉnh điểm và Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót lắng tai những người công chính kêu cầu, và Ngài đã đáp lời. Lời cầu nguyện trong đêm tân tôn của Tôbia và Sara thật đẹp, không phải chỉ là việc chúc tụng Đức Chúa, nhưng lời cầu nguyện là một lời tạ ơn vì những gì hai gia đình đã trải qua! Tôbia nói với Sara: Đứng lên em, chúng ta hãy cầu nguyện…
“Lạy Thiên Chúa của tổ tiên chúng con. Xin chúc tụng Chúa, xin chúc tụng Thánh Danh đến muôn thuở muôn đời! … Chính Chúa đã dựng nên ông A-đam, dựng nên cho ông một người trợ thủ và nâng đỡ là bà E-và, vợ ông. Và dòng dõi loài người đã sinh ra từ hai ông bà. Chính Chúa đã nói: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một người trợ thủ giống như nó. Giờ đây, không phải vì lòng dục, mà con lấy em con đây, nhưng vì lòng chân thành. Xin Chúa đoái thương con và em con cho chúng con được chung sống bên nhau đến tuổi già.” (Tb 8,5-7)
Cả hai gia đình của Tôbia và gia đình Sara là những gia đình cầu nguyện; đêm tân hôn, Tôbia và Sara cầu nguyện để bắt đầu cho một hành trình mới. Các gia đình này chưa bao giờ đánh mất lòng trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa, cho dù cuộc sống của họ có những lúc như chìm nghỉm trong đau khổ của thể xác và cả tinh thần. Chắc hẳn Tôbia đã nghe câu chuyện về 7 vị hôn phu không có đêm tân hôn với Sara vì đều bị quỷ Átmôđaiô đem đi; chắc hẳn Sara biết về một gia đình khốn khổ của Tôbia; nhưng cả hai đã cùng cầu nguyện. Tôbia nói một lời nhẹ nhàng mà cương quyết, thể hiện niềm tin tưởng tuyệt đối vào Đức Chúa: Đứng lên em, chúng ta hãy cầu nguyện… Giữa những đau khổ, thất bại, dị nghị, gièm pha – hãy cầu nguyện; giữa sự bất định của tương lai, của tai ương và đàn áp nơi đất khách quê người – hãy cầu nguyện; giữa những bấp bênh của thời cuộc, của một cuộc sống mới cần xây dựng – hãy cầu nguyện. Gia đình Tôbít, gia đình Raguên, gia đình mới Tôbia và Sara là gia đình cầu nguyện và vì thế Đức Chúa ở cùng họ! Các gia đình này đã luôn để mình hiện diện trước nhan Đức Chúa và luôn luôn có một mối liên hệ mật thiết với Ngài. Đó là một định nghĩa về một gia đình hạnh phúc! Gia đình hạnh phúc là gia đình biết cầu nguyện và cầu nguyện mỗi ngày trong suốt hành trình của cuộc sống.
II. XÂY GIA ĐÌNH TRÊN ĐÁ TẢNG LỜI CHÚA
Kính thưa anh chị em!
Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Lời Chúa như thể không nhấn mạnh đến việc cầu nguyện, nhưng là việc thực thi Lời Chúa. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7,21). Trong bối cảnh của bài Tin Mừng, Chúa Giêsu không muốn các môn đệ của Người học thói phô trương của hàng lãnh đạo Dothái, nhất là các Kinh Sư và những người Pharisêu. Các môn đệ của Chúa Giêsu phải thấm nhuần đạo lý: việc bố thí, ăn chay, cầu nguyện được làm cách kín đáo! Và quan trọng nhất, phải thi hành ý muốn của Cha Thầy Đấng ngự trên trời.
Việc thi hành ý muốn của Chúa được ví như người khôn xây nhà trên đá. “Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.” (c.25). Chủ đề khôn ngoan và khờ dại được nhắc đến nhiều lần trong Tin Mừng. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa đôi khi bị người đời cho là khờ dại, cho nên chúng ta vẫn thích tìm sự khôn ngoan thế gian hơn là sự khôn ngoan của Tin Mừng. Xây dựng gia đình mình ở đâu, trên nền tảng nào là câu hỏi mà chúng ta cần trả lời? Chúng ta không thích mình là kẻ dại khi đặt nền móng đức tin của gia đình mình trên nền cát; nhưng chúng ta có dám chắc và sẵn sàng đặt nền tảng gia đình của mình trên chính Chúa Giêsu – Lời Hằng Sống? Để mọi sinh hoạt của gia đình, từ đời sống xã hội đến tôn giáo phải luôn quy chiếu về Tin Mừng hay không?
Tôbia và Sara được thừa hưởng một đức tin vững vàng từ truyền thống và gia đình chuẩn mực của người Dothái, cho dù họ đang ở trong tình trạng bị lưu đày và chịu rất nhiều đau khổ! Họ đã xây nhà trên đá tảng vững chắc của luật Môsê – cũng chính là lề luật của Đức Chúa. Và những gia đình này đã nuôi dưỡng, xây dựng gia đình mình bằng lời cầu nguyện. Họ giữ vững ngôi nhà gia đình trên đá tảng Lời Chúa, bằng các viên gạch của lời cầu nguyện liên lỉ; bằng việc sống đức ái và tràn đầy lòng cậy trông.
Tôbia và Sara có lòng tin nhưng không chỉ dành cho những ngày may mắn thành đạt, và lời cầu nguyện của họ không chỉ có lúc gặp gian truân mà thôi, nhưng trải dài trong hành trình cuộc sống. Thử thách nhiều lần xảy đến bất ngờ và không thể giải thích được, nhưng luôn trong ý định quan phòng của Thiên chúa. Thử thách trở thành đòn bẩy để giúp gia đình này tiến triển trong đức tin, lòng cậy trông và tình mến đối với tha nhân, cũng như với Thiên Chúa.
III. CÂU HỎI SUY NIỆM
-
Chúng ta đã được thừa hưởng ơn đức tin từ Chúa, từ gia đình, tổ tiên của chúng ta, chúng ta xây dựng và bảo về “ơn đức tin” này như thế nào? Nếu con cháu [sau này] sẽ hỏi chúng ta, ông bà, cha mẹ để lại gia sản đức tin gì cho chúng con? Chúng ta sẽ trả lời ra sao?
-
Cầu nguyện có phải là một điều thiết yếu không thể bỏ, hoặc ít ra cần phải tái lập để giữ mối tương quan thường xuyên với Chúa, có phải là chọn lựa và quyết tâm thực hành của mỗi gia đình chúng ta không?
-
Sống Lời Chúa không chỉ dừng lại ở việc cầu nguyện suông, nhưng phải để cho Lời Chúa biến đổi, thánh hóa thành hành động của cá nhân và gia đình chúng ta hay không? Gia đình Công giáo tìm kiếm hạnh phúc thật ở đâu? Có phải thực sự chúng ta đã chọn Chúa, Lời Chúa là lương thực nuôi dưỡng và kiến tạo hạnh phúc đích thật cho gia đình mình?
—
Đứng lên em, đứng lên anh… chúng ta hãy cầu nguyện! Đừng để cho những thú vui trần gian, đau khổ, những đố kỵ, hiểu lầm, áp lực cuộc sống… hạ gục chúng ta. Gia đình chúng ta “có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (Cl 3,17)
Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT
(Bài giảng lễ cưới Vinhsơn Mai Trần Viễn Dương & Maria Ngô Thị Bích Trâm – Nhà thờ Gx. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Bảo Lộc 23/11/2024)