KHÔNG ĐỐI THOẠI VỚI MA QUỶ

(Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay năm C)
Mùa Chay lại bắt đầu, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng bước vào sa mạc với Chúa Giêsu, nơi Ngài đã ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ trong suốt bốn mươi ngày. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay (Lc 4,1-13) không chỉ là một biến cố trong quá khứ, mà còn vạch trần ba cơn cám dỗ lớn của đời người – những cơn cám dỗ muôn đời vẫn còn đó, len lỏi vào mọi thời đại, mọi xã hội. Chúa Giêsu đã đối diện với chúng không phải bằng lý luận, không phải bằng sự nhượng bộ hay tìm cách thương lượng, thoả hiệp, nhưng bằng một thái độ dứt khoát: không đối thoại với ma quỷ, chỉ trả lời bằng Lời Chúa, và luôn đặt trọn niềm tín thác vào Chúa Cha.
Cơn cám dỗ đầu tiên là biến đá thành bánh. Sau bốn mươi ngày nhịn ăn, Chúa Giêsu đói, và ma quỷ đã lợi dụng sự yếu đuối thể xác để gợi ý một giải pháp tưởng chừng hợp lý: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!” Nhưng Chúa Giêsu hiểu rằng đây không chỉ là vấn đề cơm bánh, mà là một cạm bẫy nguy hiểm: đặt nhu cầu vật chất lên trên sự vâng phục thánh ý Chúa Cha. Ngài trả lời: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” Ngày nay, biết bao người rơi vào cám dỗ này, sẵn sàng chấp nhận gian dối, tham nhũng, làm điều sai trái vì họ cho rằng “có thực mới vực được đạo”. Nhưng Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng không gì quan trọng hơn lòng trung tín với Thiên Chúa. Nếu ta biết cậy trông vào Người, thì ngay cả trong thiếu thốn, Người cũng sẽ dưỡng nuôi ta bằng những cách kỳ diệu mà ta không ngờ tới.
Cơn cám dỗ thứ hai là quyền lực và vinh quang thế gian. Ma quỷ đưa Chúa Giêsu lên một nơi cao, cho Ngài thấy mọi nước trên thế gian và nói: “Tôi sẽ cho ông tất cả quyền lực và vinh quang này, nếu ông sấp mình thờ lạy tôi.” Đó là một lời đề nghị hấp dẫn, nhưng Chúa Giêsu không hề nao núng. Ngài đáp lại cách dứt khoát: “Ngươi phải thờ lạy Thiên Chúa, và chỉ phụng sự một mình Người mà thôi.” Biết bao người hôm nay cũng vì danh vọng, quyền lực mà đánh đổi lương tâm, thỏa hiệp với sự gian dối, hợp tác với cái xấu với lý do “phải làm vậy mới được việc”. Nhiều người biện minh rằng họ chỉ “hợp tác một chút” với điều sai trái, nghĩ rằng sau này có thể dùng quyền lực đó để làm điều tốt. Nhưng thực tế cho thấy, một khi đã thỏa hiệp với bóng tối, ta dễ dàng bị nuốt chửng mà không hay biết. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng quyền lực thật sự không đến từ việc bắt tay với điều xấu, nhưng từ lòng trung thành tuyệt đối với Thiên Chúa.
Cơn cám dỗ thứ ba là thử thách Thiên Chúa. Ma quỷ đưa Chúa lên nóc Đền Thờ và xúi giục: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi! Vì có lời chép rằng: ‘Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ ông’.” Ở đây, ma quỷ cũng trích dẫn Kinh Thánh, nhưng lại dùng Lời Chúa một cách sai lạc để khuyến khích một hành động liều lĩnh. Đây là cơn cám dỗ của sự kiêu ngạo và tự mãn – cho rằng mình có thể ép Thiên Chúa phải hành động theo ý mình. Nhưng Chúa Giêsu thẳng thắn bác bỏ: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” Biết bao người ngày nay cũng rơi vào cám dỗ này, nghĩ rằng mình có thể sống buông thả, phạm tội thoải mái, rồi khi cần thì chạy đến xin Chúa tha thứ. Nhưng lòng thương xót của Chúa không phải là một tấm vé miễn phí để con người muốn làm gì thì làm. Niềm tin đích thực không phải là thử thách Chúa, mà là tín thác vào sự quan phòng của Người, bước đi trong vâng phục và khiêm nhường.
Chúa Giêsu chiến thắng cả ba cơn cám dỗ không phải bằng lý luận, thoả hiệp với ma quỷ, nhưng bằng thái độ cương quyết, không nhượng bộ, và nhất là bằng sức mạnh của Lời Chúa. Ngài không tranh luận với kẻ dữ, không tìm cách thương lượng hay “đối thoại để hòa giải” với chúng. Ngài dạy chúng ta rằng không thể có sự hòa giải giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sự thật và dối trá, giữa Thiên Chúa và ma quỷ. Thế nhưng, ngày nay nhiều người lại biện minh cho sự thỏa hiệp với cái xấu bằng những lý lẽ như: “Chúng tôi chỉ muốn đối thoại để hòa giải, hoà hợp dân tộc,” hay “Phải hợp tác một chút để có thể thay đổi tình hình.” Nhưng thực tế cho thấy, hầu hết những ai thử “đối thoại” với sự dữ đều bị nó lôi kéo thay vì hoán cải được nó.
Giáo Hội Việt Nam, qua bao nhiêu thăng trầm, vẫn kiên trung giữ vững đức tin, không phải bằng cách thỏa hiệp với thế quyền hay chạy theo xu hướng thế gian, nhưng bằng đời sống chứng tá kiên vững. Các thánh tử đạo của chúng ta không tìm cách “thương lượng” để được sống, mà sẵn sàng chết để bảo vệ đức tin. Và nhờ đó, đức tin Công giáo tại Việt Nam vẫn đứng vững, vẫn phát triển mạnh mẽ dù đã trải qua bao gian nan thử thách.
Anh chị em thân mến, bước vào Mùa Chay, chúng ta hãy học theo gương Chúa Giêsu. Khi đối diện với cám dỗ, đừng tranh luận với ma quỷ, đừng biện minh cho sự yếu đuối của mình, nhưng hãy lấy Lời Chúa làm vũ khí, lấy lòng trung tín làm khiên thuẫn, và đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa. Đừng quên, bà Evà đã đối thoại với con rắn trong vườn địa đàng và đã sa ngã. Đừng để vật chất che lấp niềm tin, đừng để tham vọng làm lu mờ lý trí, đừng ảo tưởng rằng ta có thể thử thách lòng thương xót của Chúa. Chỉ khi biết bám chặt vào Người, ta mới có thể vượt thắng mọi thử thách trên đường đời.
Xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng ta luôn vững vàng trước mọi cơn cám dỗ.
Amen.
* Lm. GB. Lê Đình Phương, DCCT

Bài viết mới nhất

spot_img

Bài viết liên quan