MỤC TỬ NHÂN LÀNH VÀ BIẾT CHIÊN
MỤC TỬ NHÂN LÀNH VÀ BIẾT CHIÊN
(Chúa nhật IV Phục sinh B – Chúa nhật Chúa Chiên Lành – Tin mừng: Ga 10,11-18)
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ!
Chúa nhật Chúa Chiên Lành, cầu nguyện cho ơn thiên triệu, chúng ta cũng cầu nguyện đặc biệt cho các vị mục tử trong Hội Thánh. Bài suy niệm này tập trung vào vai trò của vị linh mục như là vị mục tử nhân lành, biết chiên, đồng thời cũng ý thức được những khó khăn phải đương đầu trong bổn phận và trách nhiệm. Trong bài cũng có một vài gợi ý nhỏ cho đời sống Kitô hữu trong tư cách là “chiên” trong Hội Thánh.
Giáo huấn của Hội Thánh nói rất rõ về vai trò của của chức linh mục trong Hội Thánh là: thừa tác viên Lời Chúa, thừa tác viên Phụng Vụ, thầy dạy của dân Chúa. Tuy nhiên, các thừa tác vụ cao quý này lại được trao cho những con người, vốn mỏng dòn yếu đuối, nhưng được tham gia vào chính sứ vụ của Chúa. Như lời của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: “Sự táo bạo này của Thiên Chúa, Đấng phó mình cho nhân loại – Đấng biết rõ sự yếu đuối của chúng ta, nhưng vẫn cho rằng chúng ta có khả năng hành động và hiện diện thay cho Thiên Chúa – sự táo bạo này của Thiên Chúa chính là sự cao cả đích thực ẩn chứa trong từ ngữ “thiên chức linh mục”. Thiên Chúa muốn chúng ta, với tư cách là linh mục, trong một khoảnh khắc bé nhỏ của lịch sử, chia sẻ sự quan tâm của Thiên Chúa về con người.”[1]
Quả thật, Thiên Chúa táo bạo, thậm chí là liều lĩnh phó mình cho sự yếu đuối của chúng ta [linh mục]; vì thế cả cuộc đời của linh mục là một lời đáp trả “xin vâng” và tạ ơn không ngừng đối với những ân huệ lớn lao của Thiên Chúa. Ân huệ “thiên chức linh mục” tự bản chất không chỉ dành cho cá nhân các linh mục, nhưng là để thi hành sứ vụ – chăm sóc đoàn chiên được Thiên Chúa trao phó.
Chính ở điểm này, mà chúng ta cùng nhau suy niệm bài Tin Mừng được chọn đọc hôm nay, Tin Mừng Gioan chương 10 về “vị Mục Tử nhân lành”. Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành là mẫu gương cho tất cả các linh mục.
I. MỤC TỬ NHÂN LÀNH
“Tôi chính là Mục Tử nhân lành” (cc. 11.14)
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ!
Bài Tin Mừng hôm nay liên kết cách sâu xa với thánh vịnh 23 “mục tử nhân hậu”. Thật vậy, Thiên Chúa đã chọn dân Israel làm dân riêng của Người và hình ảnh người mục tử đặc biệt phù hợp để nói về sự quan tâm chăm sóc của Thiên Chúa dành cho dân Israel: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.” (Tv 23,1-3). Thiên Chúa, trong tư cách là vị mục tử nhân hậu đã luôn: hướng dẫn, bảo vệ và nuôi dưỡng dân Người.
Sách ngôn sứ Êdêkien chương 34 cũng nói về cùng một chủ đề “các mục tử nhà Israel”. Trong Cựu Ước, hình ảnh người mục tử thường được áp dụng cho các vua Israel. Tuy nhiên, kinh nghiệm của dân Israel về các nhà lãnh đạo là một kinh nghiệm đáng buồn. Các ngôn sứ đã chỉ trích các vua bằng lời lẽ nặng nề, vì thay vì nuôi dưỡng con chiên, họ đã bóc lột và thậm chí giết chiên. Vì vậy, Đức Chúa phán: “Ta sẽ đòi lại chiên của Ta; Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên, và các mục tử sẽ không còn lo cho mình. Ta sẽ giải thoát các chiên của Ta khỏi miệng chúng, để chiên của Ta không còn làm mồi cho chúng nữa.” (c.10). Và chính Người sẽ đích thân chăm sóc dân Người: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta.” (Ed 34,11)
Câu đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tự giới thiệu: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành” (Ga 10,11.14), thì quả thật, lời Thiên Chúa hứa đã nên hiện thực, nhưng vượt quá sự mong đợi. Đức Giêsu làm điều mà không mục tử nào làm, cho dù là mục tử tốt, Người: “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10,11).
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã chia sẻ với các linh mục: “Chức linh mục không chỉ đơn thuần là một “chức vụ”, nhưng là Bí tích: Thiên Chúa dùng chúng ta là những con người hèn kém, để qua chúng ta, Thiên Chúa hiện diện với mọi người nam nữ và hành động vì họ”.[2] Đức Giêsu không chỉ được giới thiệu như người làm việc có hiệu năng, giỏi điều hành; nhưng chính tình yêu và khả năng đồng cảm làm nên hình ảnh “vị mục tử nhân lành” của Người.
Nếu linh mục không lấy Chúa Giêsu làm trung tâm của đời sống, thì liệu một ngày nào đó, chúng ta có thể trở thành “kẻ chăn thuê” hay không? Có lẽ, thực tế chưa đến mức chúng ta “hy sinh tính mạng” vì đoàn chiên, nhưng chúng ta có sẵn sàng trở thành “người mục tử nhân lành”, đặt nền tảng của sự phục vụ trên tình yêu và khả năng đồng cảm hay không?
II. MỤC TỬ BIẾT CHIÊN
“Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi” (c.14).
Thiên Chúa biết tôi, Người quan tâm đến tôi. Thiên Chúa quan tâm một cách cá vị, Người đã không coi chúng ta như là một “đám đông” vô danh. “Tôi biết chiên của tôi”: “Biết” theo nghĩa Kinh Thánh không chỉ là một sinh hoạt thuần túy tri thức hay văn hóa, mà “biết” ở đây còn là gắn bó và yêu thương. Sự gắn bó này thậm chí được Chúa Giêsu so sánh với chính mối tương quan hiệp thông bền chặt của Người với Chúa Cha.
Đối với Đức Giêsu, vị Mục Tử nhân lành, chúng ta không phải là những con số; Người biết lịch sử đời ta, các vấn đề, các khiếm khuyết của chúng ta, tất cả các đặc điểm và phẩm chất của chúng ta. Điều này có nghĩa là Người chấp nhận chúng ta trong hiện trạng, và muốn nâng chúng ta lên, đưa chúng ta vào hiệp thông trọn vẹn với Người.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải để ý vế sau “chiên của tôi biết tôi”. Đối với chúng ta, “Giêsu” không được chỉ đơn giản là một cái tên; chúng ta phải càng ngày càng “biết” Người hơn, như “những con chiên tốt lành”, và phát triển một tương quan với Người, một tương quan mang dấu ấn là một tình yêu sâu sắc và trung thực.
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã chia sẻ với các linh mục về điều này như sau: “Là linh mục, chúng ta muốn trở thành những người kết hiệp với Chúa trong sự quan tâm của Người đối với loài người, chúng ta giúp họ cảm nghiệm cụ thể sự ân cần của Thiên Chúa. Và trong các lãnh vực được ủy thác cho mình, linh mục cùng với Chúa, phải có thể nói được: “Tôi biết các chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi”… Chúng ta phải tìm cách “biết” con người như Thiên Chúa biết và vì Thiên Chúa, chúng ta phải đồng hành với họ trên con đường làm bạn nghĩa thiết với Thiên Chúa”.[3]
Trong tư cách là linh mục của Chúa, chúng ta có sẵn sàng “biết” từng con chiên trong đoàn chiên mà Chúa đã trao cho chúng ta chăm sóc? Thay vì quy tụ, chúng ta có thể trở thành nguyên cớ phân tán, làm tán loạn đoàn chiên hay không? Chúng ta cũng cần nhớ lại lời quở trách nặng nề của ngôn sứ Êdêkiel dành cho mục tử Israel:
“Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn.” (Ed 34,2-5)
III. MỤC TỬ VÀ “LŨNG ÂM U”
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ!
Sau cùng, chúng ta trở lại với những lời đầy ý nghĩa của thánh vịnh 23. “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.” (Tv 23,4)
Con đường của chúng ta với tư cách cá nhân một ngày kia sẽ dẫn chúng ta vào thung lũng của sự chết. Ngày tại chốn đó, Chúa cũng không bỏ rơi chúng ta. Ngay tại đó Người vẫn dẫn dắt chúng ta. Như vịnh gia đã nói: “Nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài” (Tv 139,8).
Khi nói về những thung lũng tối tăm, chúng ta có thể nghĩ đến những thung lũng tối tăm của cơn cám dỗ, những nản chí và thử thách mà mỗi người phải trải qua. Cả trong những thung lũng tăm tối của cuộc sống này thì Chúa vẫn hằng có đó! Đó là một lời đầy an ủi, là một thực tại rất cụ thể dành cho các linh mục của Chúa và dành cho tất cả những ai vững niềm trông cậy nơi Người.
Chức linh mục thật cao quý nhưng cũng được chứa đựng trong những con người là “bình sành lọ đất”. Những yếu đuối và cả những tội lỗi đôi khi làm cuộc đời linh mục chao đảo, mất hướng. “Lũng âm u” nhiều khi còn đến từ phía những con chiên (giáo dân) mà vị linh mục chăm sóc. Đâu đó vẫn có những phản bội, tố cáo, gian ác, lừa dối, phá hoại… mà vị linh mục, trong tư cách là chủ đoàn chiên phải “vác thập giá” và cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô. Nhưng trên tất cả những đau khổ, buồn chán, nản chí của những “thung lũng âm u, tối tăm” thì Chúa vẫn luôn khẳng định: có Ta ở cùng.
***
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ!
Hôm nay, Chúa nhật Chúa Chiên Lành, chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài vẫn luôn kêu gọi những người nam, người nữ hiến thân trong những cánh đồng truyền giáo. Chúng ta cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội nói chung, các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ cách riêng được trung thành với sứ vụ; vì Chúa đã yêu thương kêu gọi và táo bạo mà chọn các ngài (nam nữ tu sĩ) để tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng, làm chứng cho sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa cho toàn thể nhân loại.
Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT
(Phú Túc, ngày 16/04/2023)
* (Bài suy niệm này đã được chia sẻ trong Thánh lễ mừng 25 năm Linh mục của Cha quản hạt Mang Yang, Gioan Nguyễn Đức Trường tại Giáo xứ Lệ Chí ngày 17/04/2024. Nay chỉnh sửa lại để đăng trên web loikinhdem.org)
[1] ĐGH Biển Đức XVI, Với Thiên Chúa bạn không bao giờ cô đơn, NXB Đồng Nai, tr. 137
[2] Sđd… tr. 138
[3] Sđd… tr. 145