Theo truyền thống văn hoá từ xa xưa, người Việt quan niệm: “sống cái nhà, chết cái mồ” hay “thứ nhất dương cơ, thứ nhì âm phần”. Trong những ngày cuối năm, các gia đình đều lo dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp lại mọi thứ cho trật tự, gọn gàng để chuẩn bị đón Tết. Các phần mộ của ông bà tổ tiên, những người thân cũng được sửa sang, tu bổ, làm sạch và trang hoàng.
Tục lệ này được thực hiện vào ngày 25 tháng chạp, nhưng nay một số nơi bắt đầu từ ngày 10 đến ngày 30 Tết. Mọi người cùng phát cỏ, trang trí, cắm hương, hoa cho các phần mộ của tổ tiên và mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Đạo hiếu của người Việt chính là khởi nguồn của tục lệ này.
Trong cách bố trí không gian sống của ngôi nhà truyền thống, ở chính gian giữa luôn là bàn thờ tổ tiên. Ngay trước bàn thờ tổ tiên cũng là gian tiếp khách. Mối liên hệ giữa người sống, người chết và các mối quan hệ cộng đồng luôn được tôn trọng. Ông bà, tổ tiên luôn có mối liên hệ khăng khít với người sống, nhất là trong những biến cố trọng đại của gia đình. Người Việt luôn có nhiều hình thức để kính báo, kính trình với tổ tiên về những việc như hôn nhân; dòng họ, gia đình có thành viên mới; những ngày lễ tiết (tết) quan trọng trong năm và Tết Nguyên Đán là một dịp như thế!
Tết Nguyên đán (nguyên = bắt đầu, đán = buổi sáng). Tết Nguyên đán mở đầu năm mới, nên còn gọi là Tết Cả. Thời điểm “giao thừa” là thời điểm thiêng liêng nhất trong năm, đánh dấu sự chuyển đổi từ mùa đông lạnh khô, cằn cỗi – biểu tượng của sự hủy diệt, chết chóc – sang mùa xuân ấm áp, mùa của sự nảy mầm – biểu tượng của sự sinh sôi, phát triển. Việc mừng Tết Nguyên đán không thể thiếu “sự hiện diện” của ông bà, tổ tiên là vì thế. Đó chính là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”; là sự gắn bó với quá khứ, với nguồn gốc của văn hoá truyền thống người Việt.
Đối với người Công Giáo Việt Nam, việc sống văn hoá truyền thống đạo hiếu chính là hơi thở của đời sống đức tin. Đạo hiếu được thực thi với cả người sống và những người đã qua đời. Những hình ảnh thật đẹp trong các nghĩa trang Công Giáo, vườn thánh, nhà chờ phục sinh (nhà hài cốt) trong những ngày cuối năm âm lịch thật đẹp. Người người ra vào, lui tới lau dọn, hương hoa và râm ran những câu kinh lan trong hương khói. Những thành kiến xưa kia về việc theo Đạo là bỏ ông bà, tổ tiên nay đã nhạt dần theo năm tháng. Bởi vì, những gì người Công Giáo đang sống, đang thực hành để tỏ lòng tôn kính ông bà, tổ tiên đã là một minh chứng cụ thể.
Trong cái giá lạnh và hơi âm u của mùa đông, Vườn Thánh Giáo xứ Phùng Khoang vẫn cứ ấm áp! Hương, nến, đào, quất, các loại hoa của mùa xuân khoe sắc. Ai bảo nghĩa trang chỉ là một nơi lạnh giá? Không, nó chỉ lạnh giá khi đạo hiếu không được sống, khi mối dây liên kết linh thiêng giữa người sống và người chết không được gìn giữ. Thánh giá cứu độ vẫn sừng sững, ơn cứu độ nơi Người chan chứa và cuộc sống của người Kitô hữu vẫn xoay quanh Đức Giêsu Kitô. Nghĩa địa không còn là nơi của người chết, nhưng là nơi của những người chờ ngày phục sinh; nghĩa địa thành khu vườn của các thánh.
Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT
(Chiều 29 Tết Giáp Thìn)