Thăm người, vãn cảnh ngày xuân…

Ngày xuân đi thăm một số gia đình ở làng quê có nhiều điều thú vị! Sự phát triển đô thị ngày càng lan xa trung tâm Hà Nội. Những nơi trước kia là làng quê thực sự, có luỹ tre xanh, có nhà thờ, đình, đền, miếu, chùa; có nhà tranh vách đất, có nhà gạch mái ngói… trước làn sóng của sự phát triển cũng thay đổi nhiều. Cái mà chúng ta nhìn thấy rõ nhất là con đường bê tông đã lan khắp làng, ngõ, xóm… Những căn nhà cao tầng vươn lên xen lẫn những căn nhà truyền thống. Vào làng, lang thang cứ lâu lâu lại bắt gặp con ngõ với những bức tường loang lổ, bong tróc, những chiếc cổng nhà cổ kính, những căn nhà xưa cả đến hơn 100 năm đang bị bào mòn bởi thời gian. Nhà năm gian, nhà bảy gian của cụ Chánh hay Lý Tổng; hoặc có khi của một gia đình gốc địa chủ giàu có thì đó là một di sản văn hoá rất quý giá. Nhiều khi đang đi lại phải ngó vào xem và chụp vài tấm hình, hỏi han đôi câu chuyện.
Có những hình ảnh xưa chợt hiện về vì thấy hũ dưa muối ở hiên nhà; những chiếc cối đá cũ lật úp; cái bể chứa nước mưa có mái vòm bằng gạch, cái bậu cửa chạy suốt dọc mặt tiền nhà, những cánh cửa với bản lề bằng gỗ, chốt cửa bằng gỗ làm kỳ công và khéo léo. Nhớ những năm thời đói kém, bát cơm nguội, vài quả cà miếng dưa muối và chan nước mưa là bữa “lỡ” đầy thèm thuồng của tụi trẻ con. Nói về bữa ăn truyền thống của người Việt, có lẽ từ thời Hùng Vương đã có cơ cấu là “cơm, rau, cá”. Gạo đứng vị trí hàng đầu nên bữa ăn của người Việt gọi là “bữa cơm”; đến nỗi các cụ xưa có thể nói “cơm tẻ là mẹ ruột”. Sau gạo là rau, đứng hàng thứ hai trong cơ cấu bữa ăn của người Việt. “Ăn cơm không rau như nhà giàu chết không kèn trống”. Có khi rau còn đóng vai trò như một nguồn dinh dưỡng quan trọng “đói ăn rau, đau uống thuốc”. Có nhiều loại rau trong cơ cấu bữa ăn, nhưng hai loại chính là rau muống và dưa cà. “Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”; “Thịt cá là hoa, tương cà là gia bản”. Riêng về cá, tôi cứ nhớ mãi bố tôi hay nói: “cứt cá còn hơn lá rau”. Chẳng là, hôm nào bữa cơm có cá mà anh chị em chúng tôi bắt được ngoài mương, ngoài đồng mang về thì quý lắm. Vì thế, ông cứ nhắc suốt trong bữa ăn, để chúng tôi biết quý cái món bổ sung protein này quan trọng. Ngoài ra thì cũng có nhiều loại thực phẩm động vật khác như cua, ốc, tôm… tất cả đều nhờ ao, chuôm, đầm, mương, ruộng… mà người nông dân chịu khó bắt để cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Nhịp sống làng quê Bắc Bộ thay đổi nhiều rồi, đó là sự phát triển và rất cần thiết. Nhưng để giữ được cái hồn quê chân chất, giản dị, đượm tình làng nghĩa xóm sẻ chia thì khó biết bao! Ôn lại quá khứ không phải là bắt quá khứ phải xảy ra ở hiện tại, mà là ôn cố nhi tri tân. Cái cốt cách của hồn quê vẫn cứ giá trị ở hiện tại và vẫn là cái bản lề vững chãi cho các gia đình, cá nhân xây dựng đời sống trong thời hiện đại.
(T.N.H – Sáng mồng 7 Tết, thăm làng Thạch Bích)

Bài viết mới nhất

spot_img

Bài viết liên quan