THÁNH GIÊRAĐÔ VÀ “GIỜ ĐƯỢC TÔN VINH”

THÁNH GIÊRAĐÔ VÀ “GIỜ ĐƯỢC TÔN VINH”
(Bài giảng lễ Thánh Giêrađô, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế)
Kính thưa anh chị em!
Thánh Giêrađô, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế là một vị thánh đặc biệt. Sinh ra (1726) trong một gia đình nghèo, ở một thị trấn nhỏ miền nam nước Ý; phải lao động vất vả mưu sinh ngay từ bé để gánh vác gia đình; được đi tu DCCT cũng là một sự an bài của Chúa, chứ không phải do khả năng; phục vụ trong nhà Dòng ở những vị trí “hèn mọn” và qua đời khi mới 29 tuổi (1755). Con người này không có gì để có thể khoe mẽ với thế gian, nhưng tên “Giêrađô” lại gắn chặt với những phép lạ, những phép lạ “tự nhiên” hết sức có thể; không phải bởi khả năng của ngài, nhưng bởi lòng yêu mến Chúa Giêsu nồng cháy, đặc biệt là Chúa Giêsu chịu khổ nạn. Vị thánh trẻ này để lại cho chúng ta rất nhiều bài học, trên nền tảng của đời sống dâng hiến. Cả cuộc đời của thánh Giêrađô là cuộc đời được “giương cao”, không phải những lời tán tụng của thế gian, nhưng là những hy sinh để được nên đồng hình đồng dạng với Đấng chịu đóng đinh mà ngài hằng yêu mến. Chính vì thế mà phụng vụ lễ Thánh Giêrađô hôm nay, chúng ta được lắng nghe bài Tin Mừng Gioan 12,23-32, nói về giờ được “giương cao” của Chúa Giêsu.
I. GIỜ ĐƯỢC TÔN VINH
Kính thưa anh chị em, Tin Mừng Gioan đặc biệt hay nhắc đến “giờ” của Chúa Giêsu. “Giờ” đó có nghĩa là gì? Trong Tin Mừng Ga 2,4 Đức Giêsu dự tiệc cưới ở Cana cùng với Mẹ Ngài và các môn đệ. Khi Mẹ Ngài có vẻ muốn Ngài làm một điều gì đó vì tiệc cưới hết rượu bất ngờ, Đức Giêsu đã nói giờ của Ngài chưa đến; Trong Ga 7,30 và 8,20 Đức Giêsu nói giờ của Ngài chưa đến, vì thế Ngài vẫn được tự do hoạt động mà không ai dám tra tay bắt Ngài. Trong Ga 12,27 Đức Giêsu hai lần nói đến giờ này, đây là giờ của Khổ nạn, khiến Ngài xao xuyến, sợ hãi, nhưng Ngài đã đón nhận giờ ấy: “chính vì thế mà con đã đến trong giờ này”. Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cho biết giờ ấy đã đến rồi, nhưng đây lại là “giờ được tôn vinh”, dù là tôn vinh trong cái chết trên thập giá. Vậy có thể nói trong Tin Mừng Gioan, “giờ” là thời gian diễn ra toàn bộ cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu: chịu khổ nạn, chết, được phục sinh và tôn vinh. “Giờ” là một từ gói trọn tất cả các biến cố trên. Đức Giêsu được Cha sai đến trần gian để cứu độ thế gian, “giờ” là lúc Ngài trở về với Cha sau khi hoàn tất công việc được giao (Ga 13,1.3; 19,30).[1]
Một từ khác rất quan trọng trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là từ “giương cao”. “Giương cao” (hypsoô) là một động từ được dùng trong Phúc âm Gioan để chỉ việc Đức Giêsu chịu chết và được tôn vinh (Ga 3,14; 8,28; 12,32). Khi nói “được giương cao khỏi đất”, Đức Giêsu muốn nói đến cách chết của mình (Ga 12,33). Đó là cái chết trên thập giá, bị treo lên cao như con rắn đồng thời ông Mô-sê (Ga 3,14). Còn trong bài Tin Mừng hôm nay (Ga 12,24), Đức Giêsu lại dùng một hình ảnh khác, đó là hình ảnh hạt lúa rơi vào trong đất, bị chết đi để sinh cây lúa mới trĩu hạt. Cả hai hình ảnh đều nói đến cái chết của Ngài, dù là rơi vào trong đất hay được giương cao khỏi đất.
Khi được giương cao lên khỏi đất, nghĩa là qua cái chết trên thập giá và được tôn vinh, Đức Giêsu ban ơn cứu độ cho cả thế gian, cho mọi người chẳng trừ ai. Đức Giêsu chết và phục sinh có quyền năng kéo mọi người lên với Ngài. Ngài thích được ở cùng chỗ với các môn đệ (Ga 12,26; 14,3; 17,24). Lên với Ngài cũng là lên với Cha, là về nhà Cha (Ga 14,2), nơi có sự sống đời đời. Ai không cố tình cưỡng lại sức lôi kéo đầy yêu thương của Ngài, thì sẽ được Ngài nâng lên với Ngài, và đưa vào thế giới của Thiên Chúa.[2]
Quả vậy, thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Philípphê đã mô tả một cuộc “chuyển động” về việc hạ mình – tôn vinh của Con Thiên Chúa – Đức Giêsu Kitô. “Đức Giê-su Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa”. (Pl 2,6-11). Đến “giờ” Con Người được tôn vinh thì mọi loài phải mở miệng tuyên xưng: Đức Giêsu Kitô là Chúa!
II. NÊN THÁNH TRONG VIỆC HẠ MÌNH
Ngày từ khi còn nhỏ, thánh Giêrađô ước ao muốn sống thánh thiện, nhưng biến cố không may xảy đến cho thánh nhân là thân phụ mất sớm nên Giêrađô phải cùng thân mẫu làm việc để lo cho gia đình. Ngài xin vào làm việc ở một cửa hiệu may và giúp việc cho Đức Giám mục, nhưng với tính khí nhút nhát nên ngài thường xuyên bị bắt nạt. Thế nhưng, Giêrađô chẳng những không phàn nàn, mà còn đón nhận tất cả với một tấm tâm hồn bình an. Thánh Giêrađô luôn bị hấp dẫn bởi tình yêu của Chúa Giêsu, muốn thuộc trọn về Chúa trong sự đơn sơ, khiêm nhường và khó nghèo. Hình ảnh Chúa Giêsu chịu khổ hình, vác thập giá, chịu chết đau đớn trên thập giá trở thành hình mẫu của thánh nhân. Đó cũng là một trong những lý do khiến cho sức khỏe thể xác của ngài vốn đã không tốt, nay lại thêm yếu vì những việc thực hành khổ chế. Khi được giới thiệu đi tu DCCT, lời của Cha Cafaro viết trong mẩu giấy giới thiệu cho Cha Lôrensô Antôniô, Bề trên nhà Ðêlicitô DCCT như sau: “Con xin gởi đến cha một thanh niên mới chỉ xin vào Dòng, chắc chẳng làm được việc gì, vì sức khỏe kém lắm; nhưng xét đáng nhận, vì cậu ta nài xin con rất tha thiết, vả lại cậu ta cũng có tiếng là đạo đức ở xứ Murô“.
Để được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu chịu đóng đinh, thánh Giêrađô đã không từ chối bất cứ việc khổ chế, những lời chê bai, những oan ức, vu cáo nào; đồng thời lại lấy làm hạnh phúc vì được chịu đựng những điều như vậy vì Chúa Giêsu. Trước mắt thế gian, Giêrađô thật yếu đuối và vô dụng, nhưng mỗi thời khắc như thế trong cuộc đời thánh Giêrađô lại là “giờ” mà Thiên Chúa tôn vinh ngài. Bởi vì Giêrađô đã can đảm đi vào con đường “hạ mình” mà Chúa Giêsu đã đi. Con đường ấy là con đường của sự sống, của ánh sáng, của vinh quang mà thế gian không hay biết; không phải Giêrađô tìm cách tôn vinh mình, nhưng là Thiên Chúa.
Ngay khi còn ở tại thế, thánh Giêrađô đã nổi tiếng với những phép lạ, nhất là vì sự lao nhọc tận tâm đến với người nghèo của ngài mà biết bao người được ơn hối cải trở về với Chúa. Khi đã được vào Dòng, có thời gian ngài phụ trách việc lo bác ái cho người nghèo. Mỗi ngày từ sáng đến tối, người hành khất từ khắp nơi tuôn về nhà Dòng, chờ thầy Giêrađô phát bánh. Ai tới cũng đều có phần. Ai đau yếu, bệnh tật, đích thân ngài mang đồ ăn tới nhà. Có những ngày đông người quá, lò bánh mì của Nhà Dòng hết, nhưng người xin thì vẫn còn, thánh Giêrađô đã cầu nguyện, và ngài đã làm phép lạ, lấy trong túi áo Dòng ra những chiếc bánh còn nóng hổi, để phát cho người nghèo. Giêrađô luôn luôn rộng tay bố thí, đến nỗi thầy phụ trách làm bánh đã phải trình cha bề trên: “Cha coi, anh Giêrađô anh rộng tay bố thí, mỗi ngày giúp người nghèo gần 400 ổ bánh mì, đến nỗi bột mì trong kho hao hụt nhanh quá! Chắc không đủ ăn đến mùa gặt tới. Xin cha xem xét cho.”[3] Nhưng đến khi hai cha con mở phòng kho. Thầy phụ trách ngạc nhiên, vì các thùng đựng bột mì vẫn đầy tận nắp. Cha bề trên hiểu là việc Chúa làm, nhờ lời cầu nguyện của Giêrađô, từ đó, ngài dặn thầy phụ trách: “Thầy cứ để Giêrađô tự do làm việc bác ái, giúp đỡ người nghèo. Tôi sẽ gửi thêm người nhồi bột cho thầy.”
Chúa cũng đã không chịu thua lòng quảng đại của thánh Giêrađô mà đặt vào tay ngài khả năng làm phép lạ, tất nhiên là những phép lạ ấy luôn dành cho những người cô thế, cô thân, bệnh tật nghèo hèn. Đó chẳng phải là những thời khắc mà Thiên Chúa được tôn vinh nơi cuộc đời thánh Giêrađô sao? Ước muốn nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu được thánh Giêrađô ghi lại cho Cha giáo tập: “Yêu Chúa nhiều, luôn hiệp nhất với Chúa, làm mọi sự vì Chúa, yêu mọi sự vì Chúa, chịu nhiều đau khổ vì Chúa, công việc duy nhất của con là làm theo ý Chúa”. Quả thật, thánh Giêrađô đã đi trọn con đường “hạ mình” và đã được Thiên Chúa tôn vinh.
III. CẦU NGUYỆN
Lạy thánh Giêrađô, bạn hữu thân thiết của Chúa Giêsu Thánh Thể, của người nghèo và người cô thân tất bạt; ngài có lòng yêu mến đặc biệt với mầu nhiệm thập giá và hăng say loan báo Tin Mừng. Nguyện xin ngài chuyển cầu cho chúng con biết yêu mến Chúa Giêsu tha thiết như ngài, để mỗi ngày mỗi khắc trong cuộc đời, chúng con biết dâng lên Chúa những hy sinh cần thiết để danh Chúa được tôn vinh. Xin cho chúng con đừng tìm kiếm những vinh quang giả trá thế gian, mà một lòng tìm kiếm vinh quang Nước Trời. Amen.
 Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT
(Phú Túc, 15/10/2024)
[1] X. Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, Học hỏi Tin Mừng Chúa nhật V Mùa chay B, www.hdgmvietnam.com
[2] X. Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, Học hỏi Tin Mừng Chúa nhật V Mùa chay B, www.hdgmvietnam.com
[3] Jos Nguyễn Văn Sơn, Tuần cửu nhật kính thánh Giêrađô, 2021 (dcctvn.org)

Bài viết mới nhất

spot_img

Bài viết liên quan