THÁNH GIUSE, NÓI ÍT LÀM NHIỀU…
(Suy niệm lễ thánh Giuse ngày 19/03/2024)
Tin Mừng: Mt 1, 16. 18-21. 24a
GIUSE, NGƯỜI CÔNG CHÍNH
Kính thưa anh chị em!
Lắng nghe bài Tin mừng trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta thấy một số từ ngữ trong bản văn cần được giải thích. Trước tiên, chúng ta để ý đến cụm từ “người công chính”. Người công chính, theo Tin Mừng thánh Mátthêu nghĩa là gì?
Các nhà chú giải thường cố gắng giải thích sự công chính của thánh Giuse dựa trên hành vi “không muốn tố giác” Đức Maria. Điều đó đúng nhưng chắc chắn là không đủ. Thực sự, công chính không phải chỉ là do một hành vi nào đó, nhưng thiết yếu là một trạng thái của tâm hồn, là một thái độ nền tảng của mọi hành vi, lúc này hay lúc khác của con người, nhất là sự công chính phải là một sự sẵn sàng đón nhận Thánh Ý Thiên Chúa trong cuộc đời mình.
Thứ nhất, sự công chính đích thực, trước tiên phải là một sự thành thực với chính mình, lắng nghe tiếng lương tâm và can đảm thi hành những gì lương tâm nói cho biết là chính đáng, là thánh ý Thiên Chúa.
Tin mừng nói rằng, thánh Giuse “không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.” (c.19) Điều đó cho thấy thánh Giuse không hành động theo thói quen của người đời, theo phản ứng ích kỷ của lòng mình, theo sự tức giận vì bị mất mát, nhưng do sự suy nghĩ sâu xa và thành thực đi tìm cách giải quyết đúng đắn nhất.
Thứ hai, sự công chính đích thực được tỏ hiện ra trong sự tôn trọng người khác.
Thánh Giuse thực sự đã phải có một sự tôn trọng rất lớn đối với Đức Maria thì mới có thể tin nơi sự thụ thai huyền nhiệm của Đức Maria. Hoặc thánh Giuse không hiểu, nên cũng chẳng dám kết án Đức Maria cách võ đoán; hoặc ngài hiểu rằng có một huyền nhiệm trong việc thụ thai này, nhưng chưa biết phải xử trí thế nào; dù với giả thiết nào, ta cũng thấy được rõ ràng có một sự tôn trọng đặc biệt đối với Đức Maria, người mà thánh nhân đã kết hôn.
Sự công chính đích thực không là gì khác hơn một tấm lòng luôn mở rộng để đón nhận thánh ý Thiên Chúa và can đảm và thi hành thánh ý Người. Thánh Giuse đã tin lời sứ thần truyền và đón Đức Maria về nhà mình. Hành động đó của thánh Giuse không phải là một hành động bộc phát, nhưng là kết quả của cả một cuộc đời đã gắn bó với Chúa, luôn sẵn sàng đón nhận thánh ý Thiên Chúa.
Các biến cố khác trong cuộc đời thánh Giuse sau này càng minh chứng cho khẳng định trên đây. Khi Đức Maria sinh con ở Bêlem, được thiên thần báo mộng về mưu chước của Hêrôđê, thánh Giuse cũng tin và sẵn sàng đưa Mẹ và con lên đường trốn sang Ai-cập. Những điều đó cho thấy tâm hồn thánh Giuse luôn thẳng thắn, luôn rộng mở đón nhận sự thật; thái độ của ngài luôn sẵn sàng thi hành điều Thiên Chúa muốn và tinh thần của ngài luôn can đảm, ý thức trách nhiệm của mình một cách rõ ràng, mạnh mẽ.
Đối với người Dothái, trong Cựu Ước, sự công chính thường được hiểu là sự tuân giữ trọn vẹn lề luật; như chúng ta thấy đoạn Tin mừng thánh Luca nói về ông Giacaria và bà Elisabét: “Cả hai ông bà là những người công chính trước mặt Thiên Chúa, đi theo đúng đường lối Người truyền dạy, không ai chê trách được điều gì” (Lc 1,6). Vì thế những người Dothái đua nhau giữ kỹ mọi lề luật cũng như những truyện của cha ông để mong đạt được đức công chính. Thánh Giuse cũng ở trong truyền thống đó, nhưng giờ đây lề luật chính là thánh ý Thiên Chúa, được nhận biết qua những biến cố trong cuộc sống hằng ngày. Nhất là khi thánh nhân được Thiên Chúa mời gọi chạm tới một mầu nhiệm cao cả hơn, mầu nhiệm ấy xảy ra nơi Đức Maria, một mầu nhiệm mà Thiên Chúa ân cần trao vào “bàn tay” chăm sóc của ngài. Giuse đã cẩn thận hết sức, vâng lời hết sức, trung thành hết sức để bảo vệ gia đình bé nhỏ này!
Kính thưa anh chị em!
Chúng ta thường than với nhau, ‘đời không như ước mơ’, ngầm ý muốn nói cuộc đời có nhiều điều bất ngờ, trái ý, kỳ quặc, khó hiểu. Nếu chỉ suy nghĩ theo sở thích ích kỷ, hèn nhát của mình, chúng ta sẽ dễ dàng bực dọc, tức tối, phản kháng, chửi bới hoặc nguyền rủa cuộc đời. Tức tối như thế, thực ra chỉ là một cách đầu hàng cuộc đời, một cách tự dối lòng mình.
Suy gẫm về sự “công chính” của thánh Giuse chúng ta suy nghĩ gì? Bởi vì, thánh ý Thiên Chúa không phải lúc nào cũng hợp với ý thích của chúng ta. Rõ ràng, thánh Giuse đã có một ‘kế hoạch’ khác cho đời mình, nhưng vì sao ngài dám mở lòng đón nhận thánh ý Thiên Chúa, trung thành và can đảm để thực thi ‘kế hoạch của Chúa’ đến cùng? Chúng ta có thực sự tin rằng, Chúa có ‘một kế hoạch” tốt lành cho chúng ta hay không? Hay chúng ta nghi ngờ và chỉ tin vào điều mình mong muốn, ‘kế hoạch của tôi, gia đình tôi’ hay không?
THÁNH GIUSE, NÓI ÍT LÀM NHIỀU
Kính thưa anh chị em!
Trong cuộc đời, mỗi người thường có nhiều ước mơ lớn nhỏ. Nếu không còn những ước mơ, cuộc đời sẽ buồn tẻ biết bao, cuộc sống sẽ vô vị biết chừng nào. Thế nhưng, nhiều khi những ước mơ ấy cũng làm người ta quên đi một điều khác: thánh ý của Thiên Chúa. Không thiếu những người chỉ nghĩ đến dự định của cá nhân mình, mà không hề có một ý tưởng nào về chương trình của Thiên Chúa.
Ước mơ của ta đôi khi lấn át ‘ước mơ của Thiên Chúa về ta’. Chúng ta quên rằng, sứ mệnh của người Kitô hữu là góp phần làm cho thánh ý của Thiên Chúa được tỏ hiện, làm cho chương trình của Người được hoàn thành. Thường ngày, chúng ta vẫn đọc kinh Lạy Cha, ‘ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời’ nhưng… ‘trừ ta ra’!? Cuộc đời người Kitô hữu chỉ trở nên ý nghĩa và cao quý khi mở lòng ra để thực thi ‘chương trình’ của Thiên Chúa.
Suy gẫm cuộc đời thánh Giuse, chúng ta thấy ngài đã trở nên tôi tớ Thiên Chúa, trở thành người phục vụ chương trình của Thiên Chúa với tâm tình thờ phượng và thái độ ân cần.
Trước hết, thánh Giuse đã trở thành người tôi tớ khi chấp nhận làm bạn Đức Maria. Khi được sứ thần báo tin là Mẹ sẽ thụ thai Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa”. Mẹ đã chấp nhận từ bỏ dự định của mình, một chương trình rất đạo đức thánh thiện, để trở thành người đóng góp vào công cuộc nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa. Mẹ đã đón nhận ý muốn của Thiên Chúa là làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ của Đức Giêsu Kitô.
Khi chấp nhận làm bạn Đức Maria, thánh Giuse cũng muốn chia sẻ thân phận tôi tớ: làm cho Thánh ý Chúa được thực hiện. Nền tảng cho cuộc hôn nhân giữa Đức Maria và thánh Giuse không là gì khác hơn việc cùng mong muốn phục vụ Thiên Chúa, khiêm tốn thực thi thánh ý của Người. Chính thái độ này làm cho hai tâm hồn kết hợp với nhau một cách sâu xa, vượt trên mọi sự kết hợp.
Thứ đến, chính trong tinh thần người tôi tớ, người phục vụ mà thánh Giuse đã âm thầm sống bên cạnh Đức Giêsu, lo lắng cho gia đình: từ cuộc kiểm tra của Hoàng Đế, việc Đức Giêsu giáng sinh tại hang bò lừa, việc đưa gia đình trốn sang Ai cập, đến việc sinh sống tại làng Nagiarét. Tất cả những biến cố ấy đều cho thấy Giuse là con người khiêm tốn phục vụ, không kêu ca, không phiền muộn, không oán trách.
Đây là một điểm đáng lưu ý trong thái độ tôi tớ của thánh Giuse. Từ ngữ “tôi tớ” thường làm người ta liên tưởng đến một sự ép buộc, một sự sợ hãi nào đó. Thực ra, theo quan niệm Kinh Thánh, người phục vụ là người được Thiên Chúa tuyển chọn, được kêu gọi do lòng yêu thương và việc phục vụ không là gì khác hơn sự đáp ứng lại tình yêu lớn lao Thiên Chúa dành cho mình.
Thiên Chúa yêu mến con người và Người kêu gọi họ để họ phục vụ Người. Càng phục vụ, càng sống thái độ tôi tớ, con người càng cảm nhận được tầm mức lớn lao của tình yêu, đồng thời cũng đáp ứng trọn vẹn cho tình yêu. Phục vụ không phải là sợ hãi, nhưng là yêu mến; phục vụ không phải là ép buộc, nhưng là tình nguyện dâng hiến. Người tôi tớ phục vụ trong tình yêu mến, và chính thái độ đó làm cho công việc của họ có giá trị cao cả. Công việc dù tầm thường nhỏ bé, nhưng được thực hiện với lòng yêu mến thì có giá trị lớn hơn những công việc to tát nhưng được hoàn tất trong thái độ sợ hãi.
Như vậy, người phục vụ là người chấp nhận để mình trở thành bé nhỏ, để người được phục vụ lớn lên. Người phục vụ cảm thấy sung sướng khi mình bị chìm đi. Họ cảm thấy hạnh phúc khi quên mình, và người yêu được trọn vẹn ước mơ. Chúng ta nhớ đến lời chứng của Gioan Tẩy Giả khi nói: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,30) Thánh Giuse và Đức Maria cũng đi con đường này, con đường để Chúa được lớn lên, còn các ngài phải lu mờ đi.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, suy gẫm về sự ‘công chính’ của thánh Giuse, chúng con nhận thấy rằng, nhiều lúc chúng con chỉ cầu xin Chúa ban thật nhiều ơn để cho công việc, dự định, kế hoạch của mình được hoàn thành. Chúng con ngó lơ kế hoạch của Chúa trên cuộc đời chúng con. Chúng con như ‘đứa trẻ con’ kêu la, khóc lóc, giận lẫy mỗi khi người khác làm phật ý, cản trở hoặc không thực hiện điều chúng con muốn. Lạy Chúa, tìm kiếm thánh ý Chúa không phải là điều dễ dàng, cần biết bao sự kiên nhẫn, cầu nguyện và đôi khi cả những vấp ngã. Nhưng nó thật đáng giá, vì chúng con biết đó là con đường dẫn tới sự bình an và hạnh phúc chân thật.
Lạy Chúa, trong bốn sách Tin Mừng, thánh Giuse không trực tiếp nói một lời nào. Chúng con chỉ thấy ngài hành động, ngài nói ít, làm nhiều. Không phải thánh Giuse là con người lầm lì, nhưng đó là hành động của một con người khiêm tốn phục vụ. Là tôi tớ, trong sự tự do và trung thành với chương trình của Chúa. Cho dù nhiều lúc, ngài không thể lý giải mọi điều cách hợp lý, nhưng không sao, ngài cứ âm thầm thực hiện, vì đó là ý Chúa. Lạy Chúa, chúng con nhiều khi không tin rằng, kế hoạch của Chúa thì tốt hơn kế hoạch của chúng con!? Như thế cũng có nghĩa là chúng con không tin vào ơn Chúa quan phòng, và bản thân chúng con đã không hề phó thác.
Lạy Thánh Cả Giuse, mừng lễ ngài hôm nay, xin đừng để chúng con quên những gì ngài đã sống, đã làm vì gia đình của ngài là Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Xin cho chúng con được đi theo con đường khiêm tốn phục vụ, để Chúa được lớn lên, còn chúng con phải lu mờ đi. Amen.
Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT
(Ayun Pa 17/03/2024)
* Kính nhớ thánh Giuse, bổn mạng của bố (về với Chúa năm 2021) và anh trai (về với Chúa năm 2013). Nguyện Xin thánh Giuse bầu cử cho bố và anh trai được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng vĩnh cửu.