Xuân Miền Nam của bà mẹ quê!

Một người Miền Bắc nói về Xuân Miền Nam nghe có vẻ như lạ đời và như kiểu tỏ ra là người hiểu biết. Nhưng nếu bạn nào có dịp về Miền Tây (vùng Nam Bộ), thì sẽ thấy Bàn thờ Thiên (Trời) hiện diện ở khắp nơi. Phải nói là rất rất đơn sơ. Chỉ cần một cây trụ gỗ cắm xuống đất, phía trên có một miếng gỗ thế là đã có Bàn thờ Thiên. Bàn thờ Thiên thường được đặt ngay trước tiền đường nhà, trong khu vườn nho nhỏ; có khi ở đâu đó trong sân, hay cạnh lối nhỏ đi từ cổng ngõ vào… Trên có bát hương, đến giờ cúng thì thêm nhành hoa, chút hoa quả… Người Miền Nam cứ thế, đơn sơ giản dị. Suy nghĩ ngược lại dòng lịch sử, trong cuộc Nam tiến đoàn lưu dân từ rất nhiều thành phần, đa phần là người nghèo, những người ở tiền tuyến tình nguyện ra đi; cũng có những thành phần là tù nhân chấp nhận số phận để được tự do thì ra vùng biên giới… tiến xa về Miền Nam. Trong tay chẳng có gì ngoài những đồ đạc cơ bản, đi tới đâu cúng thổ địa, khấn vái ở vùng rừng thiêng nước độc đến đó. Họ có trong tay cái gì thì dựng bàn thờ đơn giản như thế; có cái gì “cúng” được thì “cúng” như thế… Con cá bắt dưới kênh, rạch, cây quả ven đường đặt lên trên trụ cây. Tất cả chỉ có thế với tấm lòng thành! Chỉ mong bình an, chỉ mong được sống, chỉ mong được trời đất, các thần, thánh phù hộ trong cuộc mưu sinh trên miền đất xa lạ.

Hôm nay, mồng 3 Tết Ất Tỵ đọc trên facebook của Chị Nguyễn Ngọc Tư: “Như nước sông lúc chảy ngược khi xuôi, rắn mối có chân, ai thèm thắc mắc tại sao lại quý Tết. Chỉ thấy kiểu bà mẹ là Tết này chưa dứt đã bứt rứt Tết sau, khi bảo năm tới nhớ nhắc má vớt bánh sớm một chút. Đứng trong Giêng, thắp nén nhang rì rầm nói chuyện với hư vô, bà đã nhón chân ngó hướng Chạp, lúc này hãy còn là chấm nhỏ mịt mùng…”. Cái lo toan của bà mẹ quê về tương lai đang rì rầm trước Bàn thờ Thiên khấn vái và thấy đẹp quá! Chắc bà cũng chả khấn vái gì cho bà nhưng có lẽ là dành hết cho lũ cháu đàn con. Bàn thờ Thiên giờ được làm đẹp hơn xưa, vững chắc hơn xưa, nhưng cái giản dị vẫn còn nguyên đó của một tâm tình là dòng chảy ngầm của lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng; của những người con xa gia đình, quê hương trong cuộc Nam tiến. Chênh vênh và đầy lo toan giữa biết bao đe dọa của thời tiết, thú dữ, chiến tranh, chết chóc…

Vào tháng Chạp rồi… nhắc con cháu cho Tết tới được chu toàn hơn của bà mẹ Nam Bộ chắc khiến những người con thầm thương bà hơn và trân quý cái tấm lòng bình dị với đất trời trong những ngày đầu xuân.

Trần Ngọc Hướng
(Mồng 3 Tết Ất Tỵ 2025)
Hình: từ fb của Chị Nguyễn Ngọc Tư

Bài viết mới nhất

spot_img

Bài viết liên quan